fbpx

Thủ công “hiện đại” trong bàn tay con người

Diễn ra từ ngày 09/11/2020 đến 12/03/2021 tại trang web của RMIT Gallery, triển lãm trực tuyến “Đôi tay tài hoa, Văn hoá tương đồng” được đồng tổ chức bởi Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam VICAS, Đại học RMIT Melbourne (Úc) và Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT).

Diễn ra từ ngày 09/11/2020 đến 12/03/2021 tại trang web của RMIT Gallery, triển lãm trực tuyến “Đôi tay tài hoa, Văn hoá tương đồng” được đồng tổ chức bởi Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam VICAS, Đại học RMIT Melbourne (Úc) và Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT).

Để giúp bạn đọc hiểu thêm về triển lãm, chúng tôi đã phỏng vấn đại diện nhà tổ chức của triển lãm: Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại VICAS Art Studio, Ban Đại diện Đại học RMIT (Melbourne, Úc), đồng thời lắng nghe ý kiến từ các nghệ sĩ Việt Nam và Úc tham gia triển lãm, với hai đại diện lần lượt là nghệ sĩ Vũ Kim Thư và tiến sĩ Vicki Couzens. Mời bạn cùng theo dõi phần tổng hợp thông tin của chúng tôi dưới dây.

Thủ công “hiện đại” trong phát triển bền vững

Một trong những mục đích chính của triển lãm Đôi tay tài hoa, Văn hóa tương đồng là nhằm “tái khẳng định vai trò quan trọng căn bản của nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, của sức sáng tạo trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững ở cả hai nước Úc và Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển bền vững cho mối quan hệ giữa nghệ thuật thủ công và thiết kế chuyên nghiệp trong bối cảnh hiện đại”, chị Nguyễn Thị Thu Hà cho biết. Đại diện RMIT phát biểu rằng “Triển lãm là một cầu nối quan trọng giữa quan hệ văn hoá Việt Nam và Australia”.

Triển lãm có sự tham gia của tám nghệ sĩ, nghệ nhân từ Việt Nam và 10 nghệ sĩ, nghệ nhân Úc với sự cố vấn của VIETCRAFT và tiến sĩ Vicki Couzens, Phó Hiệu trưởng khoa Nghiên cứu bản địa Úc (Indigenous Research Fellow).

Trong triển lãm này, tiến sĩ Vicki Couzens muốn truyền đạt thông điệp rằng, sự phát triển truyền thống cần nhất thiết gắn chặt với cộng đồng bản địa, nhưng cũng cần có những cách tân nhất định cho phù hợp với môi trường hiện đại. Bởi vậy, ngoài những tác phẩm thêu truyền thống của các bộ tộc thổ dân, Tiến sĩ còn giới thiệu câu chuyện về những chiếc áo choàng lông chồn possum, một sản phẩm nghệ thuật linh thiêng của bộ tộc Yuin Đông Nam nước Úc. Những chiếc áo lông này là hình tượng của của ngọn núi Mẹ thiêng liêng đang “mặc áo choàng của cô ấy khi sương mù che phủ đỉnh núi”. Cùng với sự phát triển bền vững, đồng lòng với các đạo luật bảo vệ động vật, những nghệ nhân người Yuin đã không tự săn bắt loại chồn này ở Úc nữa mà nhập khẩu từ New Zealand. Như vậy “truyền thống” đã được tùy biến để trở nên phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Tác phẩm “Áo choàng Gulagas” từ lông chồn Possum của Tiến sĩ Vicki Couzens.

Nghệ sĩ Vũ Kim Thư từ Việt Nam lại có cách tiếp cận giao thoa giữa chất liệu truyền thống với cái nhìn hiện đại. Những ngôi nhà, đường nét của thành phố đã được chị khắc họa chi tiết chất liệu giấy zó truyền thống. Phát biểu về tư duy nghệ thuật của mình, chị cho rằng, bản thân kết quả không quan trọng. Sự quan trọng là quá trình tạo ra tác phẩm, sự cầu kỳ và chuyên tâm được đặt vào trong mỗi tấm giấy mỏng manh, nghĩa là một quá trình không hồi kết.

Vũ Kim Thư, Hội thoại hàng ngày, 2019, giấy Mino Washi, giấy zó Việt Nam, mực, dây thép, đèn LED, khung gỗ, 2.97 m × 2.97 m × 1.2 m.

Cùng ngắm triển lãm

Vicki Couzens và Vũ Kim Thư chỉ là hai trong số những nghệ sĩ sẽ tham dự triển lãm “Đôi tay tài hoa, Văn hoá tương đồng”. Những nghệ sĩ khác cũng đem tới những sản phẩm ý nghĩa của họ. Hãy cùng điểm qua một số tác phẩm cùng những nghệ nhân, nghệ sĩ tiêu biểu nhé!

Hình ảnh từ BST Miên của NTK Vũ Thảo.
Yu Fang Chi. Chuỗi tác phẩm Inner Crease_ Entwine, lưới, đồng, sơn xe kim loại, chỉ, dây thép. Ảnh: Cheng-Lin Wu.

Yu Fang Chi, một nghệ sĩ và giám tuyển Đài Loan hiện đang sinh sống tại Melbourne, đã tái hiện mối quan hệ không rõ ràng giữa cơ thể, cử chỉ và đồ trang sức. Chuỗi tác phẩm Inner Crease_Entwine với chất liệu lưới, đồng, sơn xe kim loại, chỉ, dây thép đã phần nào biến những câu chuyện bị lãng quên trở nên hữu hình và cũng đưa ra những câu chuyện thay thế để giải thích chúng.

Lindy de Wijn, Connection Craft Lab + – Bundoora Homestead 2018 – Thành phố Darebin, dây bông. Tác phẩm là một phần thành quả của Quan hệ hợp tác nghệ thuật với Thành phố Darebin. Ảnh: Andrew de Wijn

Là một Thạc sĩ ngành Nghệ thuật Công cộng, cô Lindy de Wijn đã sử dụng kỹ thuật ren truyền thống với một mức độ lớn hơn, theo những cách thức mới. Tác phẩm Connection Craft Lab + – Bundoora Homestead 2018 đã sử dụng đến 2km dây trên mặt tiền của Bundoora Homestead, thu hút sự tò mò của người qua đường.

Michelle Hamer, "Bình tĩnh, chúng ta đang làm tốt mà", 2020, GIF (Khâu thủ công trên nhựa đục lỗ)

Đối diện với đại dịch COVID, khẩu hiệu “Bình tĩnh, ta đang làm rất tốt mà” là thông điệp nghệ sĩ Michelle Hamer muốn bàn luận trong các tác phẩm khâu thủ công trên nhựa đục lỗ của mình. Những ảnh GIF có thể chia sẻ này làm nổi bật thông điệp hỗn hợp đã kết nối chúng ta thông qua sự hoảng loạn tập thể. Tất cả các công trình đều duy trì bố cục cơ sở giống nhau với văn bản và bầu trời thay đổi, bắt chước sự nhấp nháy của biển quảng cáo LED, nhấn mạnh sự khoa trương trong các chỉ thị và tuyên bố của lãnh đạo toàn cầu. Văn bản bảng quảng cáo đi từ hướng dẫn cho tới khó hiểu, từ truyền cảm hứng tới việc chối bỏ và thậm chí là những lời hùng biện nguy hiểm về mặt dịch tễ học.

Kieren Karritpul, 2020, Acrylic trên vải (Tranh phong cảnh dệt).

Kieren Karritpul là một nhà thiết kế người Ngen’gi wumirri của cộng đồng Nauiyu Nambiyu ở sông Daly, Lãnh thổ phía Bắc. Làm việc chủ yếu với vải in lưới, các lớp vải được Kieren vẽ tay và chặn lino để làm thiết kế trở nên sinh động. Đồ dệt của anh rất độc đáo, phức tạp và rất chi tiết, kết hợp các thiết kế nhiều lớp một cách khéo léo với sự kết hợp của các màu sắc khác nhau.

Grace Lillian Lee, Ảo ảnh màu xanh lá cây, 2019, Vải, vải bông + hạt các loại. Ảnh: Julian Chiarotto. Người mẫu: Jaydah Savage. Tạo kiểu tóc bởi The Hair Studio. Trang điểm bởi Hayley Thompson.

Grace Lillian Lee là một nhà thiết kế và nghệ sĩ bản địa hàng đầu tại Úc. Grace Lillian Lee hướng tới hướng dẫn các thành viên phát triển nghệ thuật của họ thành thời trang và trang sức trên một nền tảng đương đại. Tác phẩm Green Illusion của cô tái hiện hành trình tìm ra nguồn gốc của bản thân cô, mang dòng máu Miriam Mer từ Đảo phía Đông của eo biển Torres. Cô sáng tạo ra tác phẩm như một cách kỷ niệm và khám phá cuộc hành trình này thông qua việc trang điểm trên cơ thể như một cách để giao tiếp và hiểu thêm về sự phức tạp của những câu chuyện đã được truyền lại.

Lê Giang, Miếng trầu là đầu thuốc câm, 2020, thạch cao.

Điều khiến nghệ sĩ Lê Giang trăn trở chính là câu hỏi về vai trò của con người trong tự nhiên và cấu trúc xã hội. Những tác phẩm của cô, trên nhiều chất liệu như than, thạch cao, giấy và nhựa tái chế, đều thể hiện một trí tưởng tượng về thiên nhiên khi vắng bóng con người. Tác phẩm Miếng trầu là đầu thuốc câm dưới đây là một minh hoạ tiêu biểu cho sự băn khoăn đó.

Nguyễn Thị Dũng, Sương Sớm, 2020, gốm men, 25 cm × 30 cm.

Tác phẩm Sương Sớm của nghệ nhân Nguyễn Thị Dũng lấy ý tưởng từ bông hoa cúc nẩy mầm đơm hoa được che chở bảo vệ của chiếc lá. Sớm mai những giọt sương còn đọng trên hoa trên lá tạo sự tươi mới trong trẻo để đón những điều tốt đẹp sẽ đến.

Nguyễn Tấn Phát, Tượng Gà, 2020, gỗ mít. Ảnh: Nguyễn Tấn Phát.

Nguyễn Tấn Phát có nhiều tác phẩm sơn mài với những chủ đề quen thuộc ở làng quê Việt Nam. Tác phẩm Tượng Gà mang những vẻ đẹp tinh khiết, có ý nghĩa dân gian, phong thủy, tài lộc sinh sôi. Các hình tượng gần gũi này còn mang ý nghĩa về hạnh phúc gia đình, sự tăng trưởng và tính cần cù chịu khó.

Vipoo Srivilasa, Con người bé nhỏ, 2020, sứ. Ảnh: Andrew Barcharm.
Văn Ngô Trọng, Lời tình yêu, 2018, gốm men, 25 cm × 30 cm
Vermin the Label (Lia Tabrah and Perina Drummond), Luxe Black Toad Bag with Gold Heads, 2019, da cóc mía, đầu mía, vàng 24ct, pha lê Swarovski, dây chuyền kim loại, thuốc hoạt động. Ảnh: Jasmine Fisher.
Claire Tracey, hợp tác cùng Annique Goldenberg, Bầy đàn về đêm, Bãi biển Nudgee, 2018-2020, thép, nhựa tái chế, đèn năng lượng mặt trời. Ảnh: Abraham Ambo Garcia Jnr.
Slow Art Collective, QVWC Sự can thiệp của Ký sinh trùng Lưu trữ, 02/2020, tre, dây, sợi. Ảnh: Slow Art Collective, Queens Victoria Women’s Centre, Patricia Saca.
Muhubo Salieman, Giỏ đựng cành cây và len, len, cành cây. Ảnh: Asma Yasin (A.Y Photography).
Phạm Thị Ngọc Trâm, Thêu câu chuyện Hội An, 2014. Ảnh: James Compton.

Vui lòng click vào từng ô vuông màu xanh để tra cứu thông tin của từng tác phẩm.

Những tác phẩm của các nghệ sĩ Úc cho thấy cách sử dụng nguyên liệu hay kỹ thuật truyền thống để nói lên những câu chuyện ngày nay. Đó có thể là kỹ thuật thêu ren truyền thống, sử dụng tới 2km thừng của nghệ sĩ Lindy de Wijn, cũng có thể là sản phẩm túi xách da cóc vô cùng độc đáo của hai nghệ sĩ Lia Tabrah và Perina Drummond. Các nghệ sĩ đã đưa ra những tuyên ngôn nghệ thuật rất mới và có tính cá nhân sâu sắc. Ví dụ, nghệ sĩ Yu Fang Chi muốn biến những câu chuyện bị lãng quên trở nên hữu hình bằng cách đưa ra những câu chuyện thay thế để giải thích chúng, tái hiện mối quan hệ không rõ ràng giữa cơ thể, cử chỉ và đồ trang sức. Michelle Hamer, với tác phẩm khâu thủ công trên nhựa đục lỗ, lại muốn phản ánh những câu nói hoa ngôn, sáo rỗng của truyền thông trong thời kỳ COVID. Tất cả, tựu trung lại, như phát biểu từ phía RMIT, đều mang một tinh thần “tái hiện, tưởng tượng lại một lịch sử khó khăn của nước Úc bằng cách đưa ra tiếng nói của các nghệ sĩ bản địa”.

Phát biểu về các nghệ sĩ Việt Nam, đại diện bên phía RMIT cho rằng “các nghệ sĩ Việt có rất nhiều điều đáng để học hỏi qua những tác phẩm rực rỡ, sống động từ một lịch sử truyền thống phong phú, được duy trì sau nhiều thế kỷ”. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua các tác phẩm của những nghệ sĩ tham gia chương trình. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đem đến các tác phẩm sơn mài gắn chặt với truyền thống làng quê Việt Nam với hình tượng đàn gà. Nghệ sĩ Ngô Trọng Văn thì đem đến những tác phẩm gốm men tinh xảo, còn nhà thiết kế Vũ Thảo lại nêu bật được vấn đề thời trang bền vững triệt để trong bộ thiết kế tinh tế mới nhất của mình…Nghệ sĩ nào cũng đặc sắc, cá tính với các tác phẩm được xây dựng từ chất liệu và kỹ thuật thủ công truyền thống của Việt Nam.

Đó cũng là điểm đặc sắc nhất của triển lãm này. Dù ở hai đất nước khác nhau, nhưng các chất liệu truyền thống giữa Việt Nam và Úc lại có rất nhiều nét tương đồng. Bởi vậy, sự khác biệt chính là do cách từng nghệ nhân, nghệ sĩ thổi hồn vào tác phẩm. Có người tái hiện những tác phẩm nguyên bản của các bộ lạc thổ dân, nhưng cũng có nghệ sĩ phát triển những nguyên liệu này theo hướng hoàn toàn mới. Phát biểu về trải nghiệm, chị Nguyễn Hà chia sẻ: “Đây là một trải nghiệm rất thú vị! […] Về căn bản, thủ công cũng bao gồm những lĩnh vực, chất liệu vậy thôi nhưng ngay cả cách thực hành cũng rất tương đồng, tiệm cận nhau. Nhờ thế mà nghệ sĩ, nghệ nhân của hai nước sẽ có những hiểu biết sâu rộng hơn về những thực hành tương tự ở quốc gia còn lại”.


Các nghệ sĩ Việt có rất nhiều điều đáng để học hỏi qua những tác phẩm rực rỡ, sống động từ một lịch sử truyền thống phong phú, dược duy trì sau nhiều thế kỷ.

Do vậy, có thể thấy, yếu tố con người là trung tâm trong triển lãm. Khi ta đào sâu vào từng tác phẩm của các nghệ sĩ hiện đại, ta cũng có thể thấy sự ảnh hưởng của cả một diễn trình lịch sử. Nghĩa là, trong mỗi tác phẩm, trên cả cái tôi sáng tạo, “đôi tay tài hoa” của người nghệ sĩ, đó còn là sự tương đồng thấu hiểu văn hoá lẫn nhau giữa nghệ thuật truyền thống của hai quốc gia, những nét “văn hóa tương đồng”. 

Triển lãm lần này, đặc biệt hơn hết, sẽ được đăng tải trực tuyến tại trang web của RMIT. Cả hai đại diện từ Việt Nam và Úc đều cho rằng, mặc dù có những nhược điểm nhất định và dù khó có thể thay thế triển lãm trực tiếp, triển lãm trực tuyến vẫn là một giải pháp tối ưu. “Để phát triển một triển lãm thế này cùng với các nghệ sĩ Úc trực tiếp sẽ là một khó khăn, đòi hỏi nguồn lực lớn. Nhưng, khi chuyển đổi trực tuyến, các cá nhân giữa hai nước lại có thể kết nối, tương tác hằng tuần ngay giữa bối cảnh COVID 19” – đại diện của RMIT cho hay.

Viết bởi: Đinh Nguyễn
Đồ họa: Rongchơi
Bản dịch tiếng Anh: Đinh Vũ Nhật Hồng

Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2020 khi chia sẻ bài viết.
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép.