fbpx

Nền kinh tế văn hoá ở Việt Nam: Cần có hướng tiếp cận mới

Tọa đàm: “Nền kinh tế văn hóa ở Việt Nam: Những thách thức và cơ hội” diễn ra vào ngày 12.11 vừa qua trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 mang đến nhiều bất ngờ cho người tham gia, với nhiều cách tiếp cận mới mẻ, lượng kiến thức khổng lồ và những quan điểm trái chiều từ các chuyên gia. Khác với hình dung của nhiều người về một tọa đàm khô khan, đặc sệt tính chất nghiên cứu của các nhà khoa học, toạ đàm là một diễn đàn mở cho người nghiên cứu và thực hành sáng tạo chia sẻ góc nhìn, quan điểm vô cùng thú vị và đầy chất sáng tạo.

Tọa đàm được chia thành hai phần. Phần 01: Thách thức & Phần 02: Cơ hội. Chương trình bắt đầu bằng bài thuyết trình của chị Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng phòng văn hoá văn phòng UNESCO, về Bộ chỉ số văn hóa trong phát triển của UNESCO. Bộ chỉ số là công cụ đo lường, định tính cho sự ảnh hưởng của văn hoá trên 7 phương diện: Kinh tế, Giáo dục, Truyền thông, Di sản, Quản trị, Xã hội, Bình đẳng giới. Cho đến nay, đây là bộ công cụ đầu tiên lượng hoá văn hoá tại Việt Nam. Tuy nhiên, TS. Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQG Hà Nội, lại có góc nhìn rất khác về bộ chỉ số này. Theo anh, góc nhìn của bộ chỉ số này là tư duy lưỡng phân, đối lập văn hoá với tự nhiên, kỹ thuật và không đo đếm bằng tiền. Khi nghĩ đến văn hoá là người ta ngay lập tức đối lập với kinh tế. Anh đưa ra quan điểm về việc cần có một cái nhìn mới về nền kinh tế văn hoá, nơi văn hoá là một phần không tách rời của mọi mặt trong cuộc sống. 

Dưới sự dẫn dắt khéo léo, cùng cách đặt vấn đề thông minh, TS.MC Trịnh Lê Anh đã khiến cho toàn bộ khán phòng trở thành một không gian chia sẻ cởi mở và sôi nổi cho cả khách mời trên sân khấu và các khán giả theo dõi bên dưới. Có nhiều chia sẻ đến từ phía khán giả với cách tiếp cận mới mẻ, thú vị. Đáng chú ý là chia sẻ đến từ PGS.TS Trần Thị Anh. Chị đưa ra lập luận rõ ràng, chặt chẽ, tiếp cận kinh tế văn hóa trên ba phương diện: Lý thuyết, Đầu tư và Giáo dục. Theo chị, trước hết cách tiếp cận phải đến từ nghiên cứu, lý thuyết, những cái này trên thế giới đều đã có kiểu mẫu. Cần xác định nền kinh tế của mình đang nằm ở đâu, nên đi theo phương hướng và áp dụng lý thuyết nào. Từ đó, dẫn đến việc đầu tư đúng. Hiện nay, nguồn tiền đầu tư cho văn hoá tại Việt Nam không hề nhỏ nhưng đầu ra chưa đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dân, các công trình tiền trăm tỷ nhưng không được sử dụng đúng mà trở thành lãng phí. Cuối cùng, trong giáo dục cần song hành giữa văn hoá trong gia đình và văn hoá thưởng thức trong cộng đồng. Văn hoá trong gia đình là cha truyền con nối, nét văn hoá không được ghi chép thành sách vở nhưng được truyền nối hàng ngày. Còn văn hoá thưởng thức trong cộng đồng là văn hoá cần được đưa vào trong giáo dục, cần được chính các bậc làm cha mẹ chú tâm nhiều hơn nữa, bởi đây là điều mỗi con người sẽ đóng góp vào trong xã hội. Làm sao để có thể hiểu đúng và tôn trọng các giá trị văn hoá nghệ thuật, văn hoá cộng đồng, để nâng cao giá trị văn hoá trong xã hội. Theo chị, việc đánh giá hay định lượng văn hoá nên dựa trên yếu tố chính con người.

Chốt lại phần 01 của buổi tọa đàm, thử thách đối với nền kinh tế văn hoá được lộ diện dưới những phần mà chúng ta còn yếu như: Chưa có đủ bộ công cụ, hệ thống dữ liệu để đo lường, lượng hoá văn hoá; Nhận thức của con người Việt Nam về kinh tế văn hóa còn yếu hoặc chưa có; Chưa dành nguồn lực vào đúng trọng tâm để phát triển… Thách thức lớn nhất có thể kể đến việc bối rối trong cách thức thực hiện “Cởi trới tự do biểu đạt”. Văn hoá vẫn còn bị gói ghém chặt chẽ trong những định kiến xưa cũ. Và khoảng cách tư duy giữa Việt Nam và thế giới để có thể đóng gói được sản phẩm thoả mãn hai chiều.

Nối tiếp sang phần 02 – Cơ hội – Trên sân khấu là những tên tuổi đã khá quen thuộc trong giới thực hành sáng tạo: Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, PGS.TS. Trần Xuân Tú, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác phát triển, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội và PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú, Trưởng Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Kinh tế, ĐHQG Hà Nội. Chị Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ những khó khăn và tâm tư trong quá trình làm nghề, từ khi chị chưa biết rằng mình đang thực hành văn hoá cho đến khi chị có ý thức rõ ràng. Chị chia sẻ từ khi ngồi trên ghế nhà trường cho đến nay, tư duy giáo dục về phim ảnh và nghệ thuật vẫn chưa thay đổi, chưa bắt kịp với thời đại, tuy duy lưỡng phân chia cách văn hoá nghệ thuật và kinh tế. Văn hoá nghệ thuật là thứ không thể đem ra định lượng về kinh tế, về doanh thu bao nhiêu tỷ. Trong khi bên ngoài cánh cửa ấy, công chúng đang mặc định, đang đánh giá những sản phẩm tốt và hay là sản phẩm đạt được doanh thu khủng. Chị cho rằng, khi có định tính, tính lượng thì nhiều thứ được rõ ràng hơn, nhưng cùng lúc đó nhiều “cánh cửa” bị co hẹp lại. Con số hay bài toán kinh tế thì rất dễ tính nhưng nhiều thứ khác thì không. Chúng ta cần cân bằng yếu tố văn hoá nghệ thuật và kinh tế. Mọi thứ đều có sự kết nối và mở rộng, giao thoa lẫn nhau. 

PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú qua câu chuyện chia sẻ của đạo diễn Hoàng Điệp, cho rằng: dưới góc nhìn của kinh tế, việc chị Hoàng Điệp trải nghiệm trong điện ảnh là chi phí cơ hội và nên nhìn nhận kinh tế là “công cụ” để phát triển văn hoá. Một khi có công cụ kinh tế trong tay, chúng ta cần suy nghĩ sử dụng như thế nào để hài hoà và tối ưu. Cùng với kinh tế, thì công nghệ cũng là một công cụ hữu ích trong phát triển văn hoá, PGS.TS. Trần Xuân Tú tiếp thêm. Công nghệ giúp ích rất nhiều trong việc đưa văn hoá nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, đặc biệt trong thời đại số hoá ngày nay. Cơ hội để phát triển nền kinh tế ở Việt Nam là ngay lúc này, khi mà nó trở thành tâm điểm của mọi ngành nghề, lĩnh vực. Thực hành văn hoá không nên chỉ chăm chăm vào định lượng, mà cần phát triển một cách cân bằng cả về chất lượng, có như vậy sự phát triển ấy mới bền vững, lâu dài. 

Quan điểm của các khách mời nhận được sự đồng tình sâu sắc từ phía khán giả. Cũng có chia sẻ, dù là văn hoá hay kinh tế, việc lấy “tiền” làm mục đích là hoàn toàn sai. Quan niệm sai lầm này đã dẫn đến nhiều hệ quả đáng tiếc mà bây giờ con người đang phải gánh chịu. Văn hóa mà nhìn vào “tiền” thì lại càng sai. Văn hóa mang giá trị nhiều và sâu rộng hơn thế. Văn hóa khơi gợi giá trị nhân văn, nhân ái, thức tỉnh con người. Văn hoá kiến tạo sức mạnh mềm cho quốc gia. Vì vậy, cần có chiến lược phát triển hợp lý và lâu dài. Tiềm năng văn hoá có thể tạo ra “tiền” nhưng không thể nóng vội mà bán ký ức, bán đa dạng văn hoá, bán tự nhiên… 

Kết lại buổi tọa đàm, ai cũng mang trong mình suy nghĩ rất lạc quan về tiềm năng tương lai của nền kinh tế văn hoá, rất nhiều cơ hội đang mở ra. Việc cần làm trước mắt là cần tính toán cách làm phù hợp. Điều này đòi hỏi sự tham gia đóng góp của tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, của những người nghiên cứu cũng như thực hành văn hoá, kinh doanh văn hoá. Tọa đàm: Nền kinh tế văn hoá ở Việt Nam: Những thách thức và cơ hội mang tính chất gợi mở, khởi đầu cho chuỗi tọa đàm sâu sắc hơn, dài hơi hơn sau đây của CLB Nhà khoa học của ĐHQG Hà Nội. 

NGƯỜI VIẾT
Chii Nguyễn