fbpx

Khúc ngoặt & tương lai: Văn hóa nghệ thuật Việt Nam thời “bình thường mới”

Thảo luận về những ảnh hưởng của Covid-19 – không chỉ xoay quanh những tác động trực tiếp dễ nhận thấy nhất mà còn về mối liên quan giữa những tác động này và một vài xu hướng của bối cảnh văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung thời gian gần đây.

Một trong những điểm cộng lớn nhất của Liên hoan Thiết kế & Sáng tạo Việt Nam (VFCD) 2020 là việc tạo ra một kênh thảo luận về những ảnh hưởng của Covid-19 – không chỉ xoay quanh những tác động trực tiếp dễ nhận thấy nhất (các không gian phải đóng cửa, các sự kiện và hoạt động bị hoãn lại v.v.) mà còn về mối liên quan giữa những tác động này và một vài xu hướng của bối cảnh văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung thời gian gần đây: công nghệ số, lưu trữ và di sản. Những câu chuyện này được chia sẻ và suy ngẫm qua hai sự kiện cụ thể của VFCD năm nay: hội thảo ‘Sẵn sàng cho tương lai’ (tập trung nhiều hơn vào quy mô các tổ chức và định chế) và tọa đàm ‘Khúc ngoặt’ (nghệ sĩ và người thực hành cá nhân) – nhưng đồng thời cũng xuất hiện ở nhiều chương trình khác mà bài viết này cũng sẽ đề cập.

Nền tảng số trong bối cảnh mới

Hội thảo ‘Sẵn sàng cho tương lai’ diễn ra sáng ngày 10.11.2020 tại Đại học RMIT, với các tham luận từ đại diện của Bảo tàng Phụ nữ (BTPN), Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) và Đại học RMIT Melbourne.

Là một trong những đơn vị bảo tàng tại Việt Nam có nhiều hướng tiếp cận năng động về chương trình và trưng bày, nhưng trước ảnh hưởng vượt mọi dự đoán của Covid-19 BTPN cũng ‘trở tay không kịp’ – theo lời bà Nguyễn Hải Vân (Giám đốc Bảo tàng). Buộc phải đóng cửa trong thời gian dài, Bảo tàng tập trung vào các kênh tiếp cận khác để duy trì hiện diện: họ đẩy mạnh tương tác trên mạng xã hội (Facebook, Instagram, Twitter), cải thiện tích hợp giữa trang web chính thức và các app, cũng như thực hiện và chia sẻ online các bộ phim ngắn xoay quanh hoạt động của mình nói riêng và các câu chuyện về phụ nữ nói chung. Ba triển lãm có kế hoạch diễn ra trong năm nay cũng được chuyển thành trưng bày trực tuyến, với những nỗ lực bước đầu đáng hoan nghênh trong việc giám tuyển một không gian ảo.

Thuyết trình của bà Nguyễn Hải Vân tại hội thảo ‘Sẵn sàng cho tương lai’. Ảnh chụp từ video phát sóng hội thảo ‘Sẵn sàng cho tương lai’.

Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Heritage Space và là người điều phối tại Tọa đàm) nhận xét rằng, nền tảng số đã trở thành ‘cứu tinh’ cần thiết trước những biến động lớn và khó lường trong năm nay, khi các hoạt động và sự kiện trực tiếp phải dừng lại hoặc mang tính cầm chừng, và việc di chuyển liên quốc gia gần như bất khả. Còn trong tham luận của mình, bà Paula Toal (Trưởng phòng Hoạt động Văn hóa & Công chúng, Đại học RMIT) cho rằng nền tảng số không đơn thuần là câu trả lời cho bài toán ‘làm thế nào để sống sót’, mà còn chính là cơ hội lớn để phát triển. Hoạt động nhiều hơn trên mạng xã hội giúp tổ chức của bà thậm chí có nhiều tương tác với khán giả hơn thời điểm trước dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy các hợp tác xuyên quốc gia với một số cộng đồng trước đó bà còn chưa có dịp biết đến. Dự án ‘Đôi tay tài hoa – Văn hóa tương đồng’ là một ví dụ, khi các nghệ sĩ Việt Nam và Australia đồng hành trong một triển lãm trực tuyến khám phá mối liên kết giữa các thực hành thủ công bản địa và nghệ thuật đương đại; hay như dự án của các sinh viên RMIT Melbourne, đưa các thiết kế và tác phẩm của họ lên khẩu trang – một sản phẩm vừa mang tính ứng dụng cho cộng đồng, vừa giúp người thực hành chia sẻ được về công việc cá nhân. 

Bà Paula cho rằng, sự cộng tác nghệ thuật vẫn có thể diễn ra qua không gian ảo, miễn là người tham gia có độ mở và sự kiên nhẫn nhất định với sự hình thành và phát triển của các ý tưởng trong bối cảnh mới. Bản thân tổ chức Heritage Space của giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn vừa thực hiện một ‘lưu trú trực tuyến’ cho dự án Tháng Thực hành Nghệ thuật (MAP – Month of Arts Practice), vốn diễn ra thường niên tại Hà Nội và xoay quanh sự gặp gỡ và trao đổi trực tiếp của nghệ sĩ từ nhiều thành phố và quốc gia. Phiên bản 2020 của dự án gợi mở nhiều suy nghĩ: khái niệm ‘lưu trú’ có thể được mở rộng đến đâu khi các nghệ sĩ tham gia không thể ở cùng và cộng tác trong chung không gian, khi bản thân ‘không gian’ không còn được hiểu theo nghĩa thông thường, khi cảm nhận về một nơi chốn cụ thể không thực sự tồn tại? Và liệu các nền tảng và công nghệ số có thể thay thế hoàn toàn các trải nghiệm trực tiếp? Như một câu hỏi đặt ra tại Hội thảo – làm thế nào để cân bằng giữa ‘trực tuyến’ và ‘trực tiếp’, để khán giả vẫn tiếp tục đến các bảo tàng, sự kiện (khi điều kiện cho phép) mà không chỉ kết nối qua màn hình máy tính hay điện thoại? Theo bà Vân, mỗi nền tảng vẫn có sự đặc biệt riêng, và việc đưa các nội dung lên mạng Internet cũng được BTPN thực hiện với sự cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng. 

Ở tọa đàm ‘Khúc ngoặt’ (chiều 14.11.2020 tại BTPN), nghệ sĩ Richard Streitmatter-Tran đề cập đến “mùi gỗ cháy, độ ẩm của đất sét, cảm giác khi chạm vào mặt giấy và biết được liệu giấy đủ khô cho lớp màu nước tiếp theo.” Những trải nghiệm này, theo anh, “không bao giờ có thể tái tạo [trong thế giới ảo].” Trường hợp của anh là một ví dụ đáng chú ý, khi từ các thực hành video, ‘new media’ và trình diễn ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, giờ đây Richard tập trung vào tính ‘vật chất’ của tranh vẽ hay điêu khắc. Anh cũng đưa ra một nhận xét xác đáng về một diễn ngôn có lẽ chưa được nói đến đủ: “Công nghệ số có tiềm năng tích cực, nhưng đồng thời làm tiêu hao tài nguyên của hành tinh và ảnh hưởng đến môi trường.”

Không gian xưởng trước đây của nghệ sĩ Richard Streitmatter-Tran tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Richard Streitmatter-Tran.

Cũng tại Tọa đàm, nghệ sĩ / giám tuyển Nguyễn Thế Sơn đề cập đến khả năng kết hợp giữa các nền tảng trong cùng một dự án, mà theo anh, “có thể đem lại hiệu quả còn cao hơn các kênh ‘trực tiếp’ truyền thống”: cùng nghệ sĩ Liên Trương (hiện sống tại North Carolina, Mỹ) anh đang thực hiện một chương trình trao đổi online giữa sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam và sinh viên tại North Carolina; với chủ đề chân dung, các tác phẩm khởi sinh từ dự án hợp tác này sẽ được trưng bày trong một triển lãm ‘trực tiếp’ vào thời gian tới. “Nhìn chung, 2020 là một năm khó khăn, nhưng tôi cùng cộng sự vẫn thực hiện được nhiều hoạt động với kết quả khá khả quan,” nghệ sĩ/giám tuyển Thế Sơn nhận định. 

Triển lãm ‘Không Mây Không Mưa: Lưu giữ nghệ thuật và văn hóa Việt Nam cho tương lai’ – thuộc VFCD năm nay và giới thiệu các tác phẩm trong bộ sưu tập của RMIT về nghệ thuật đương đại Việt Nam – là một trường hợp đặc biệt khác. Trong tọa đàm ‘Khúc ngoặt’, tiến sĩ Emma Duester (giảng viên RMIT Việt Nam) cho biết cô cùng đồng giám tuyển Michal Teague suy nghĩ về phiên bản trực tuyến của triển lãm (tồn tại trong không gian 3D ảo của nền tảng Kunstmatrix) trước cả khi lên kế hoạch cho phiên bản ‘trực tiếp’ tại BTPN, nhằm tạo ra sự đối thoại giữa hai phiên bản cũng như giá trị riêng cho mỗi trải nghiệm. Theo tiến sĩ Emma, không gian ảo không còn chỉ là sự bổ trợ cho không gian vật lý truyền thống, mà đã trở thành một dạng thức không gian đúng nghĩa với những đặc điểm riêng. Dù vậy, các giám tuyển vẫn phải đối mặt với một số rủi ro ‘truyền thống’ ngay cả khi thực hiện triển lãm trực tuyến, như vấn đề vi phạm bản quyền, hay câu chuyện về kiểm duyệt. Cũng giống như rất nhiều gallery hay bảo tàng khắp thế giới, họ dành thời gian suy nghĩ và bóc tách câu hỏi “chúng ta có thể làm việc online như thế nào?” – tưởng chừng đơn giản, nhưng liệu còn có câu hỏi nào lớn hơn cho bối cảnh văn hóa nghệ thuật 2020?

Các diễn giả tại tọa đàm ‘Khúc Ngoặt’. Trái: nghệ sĩ / giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và nghệ sĩ Richard Streitmatter-Tran. Phải: tiến sĩ Emma Duester. Ảnh: Đặng Việt Hải Long (Purr Creative).

Lưu trữ và sự chia sẻ ký ức

Trả lời phỏng vấn VFCD, hai giảng viên RMIT Emma Duester và Michal Teague chia sẻ về nghiên cứu họ đang thực hiện quanh hoạt động của các không gian văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội, đặc biệt chú trọng đến công tác lưu trữ (và chia sẻ các lưu trữ): “Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình số hóa và lưu trữ so với thời điểm trước đó. Có thể coi đại dịch như một hồi chuông thức tỉnh. Có tổ chức đã dành thời gian hệ thống và sắp xếp lại tài liệu trong 10 năm qua và tìm cách chia sẻ các tài liệu đó với công chúng rộng rãi hơn.”

Richard Streitmatter-Tran cho biết, ban đầu anh ‘ám ảnh’ với việc lưu trữ mọi thứ, như một dạng thức ‘bảo tồn’. “Nhưng về sau tôi nhận ra bản chất của lưu trữ giống như ký ức vậy – có thay đổi, có chuyển biến, và để có những ký ức mới đôi khi ta cần quên đi về những điều cũ. Mỗi người chúng ta đều từng mất một ổ cứng hay một tài liệu giá trị nào đó, nhưng chúng ta vẫn ổn đó thôi,” anh cho biết. Tương tự, với nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn truyền thống và di sản chỉ có thể ‘sống sót’ nếu tồn tại ở một sinh cảnh riêng bên ngoài các bảo tàng hay bộ sưu tập, tồn tại trong những bức ảnh, câu chuyện hay ký ức do chính cộng đồng và người trải nghiệm tạo nên theo cách của họ, tồn tại qua những tương tác và diễn giải mới của người làm nghệ thuật. Quan điểm này như một sợi chỉ liên kết chuỗi dự án nghệ thuật cộng cộng tại Hà Nội trong những năm gần đây được anh giám tuyển – như dự án ở phố Phùng Hưng, ở khu Phúc Tân, hay dự án ‘Từ Truyền thống tới Truyền thống’ tại Đình Nam Hương; đồng thời là tinh thần của rất nhiều dự án khác trong khuôn khổ VFCD 2020 (triển lãm ‘Dệt trải nghiệm thành ký ức’, hay các chuyến đi bộ quanh Hà Nội của FVH) cũng như của nhiều tổ chức và cộng đồng khắp Việt Nam nằm ngoài khuôn khổ VFCD (chương trình ‘Di sản Kết nối’ của Hội đồng Anh, các dự án ‘Đối thoại Văn hóa Cộng đồng’, ‘Như Trăng Trong Đêm: Điện ảnh Việt Nam qua một góc nhìn’, ‘Tương lai của Truyền thống’, phim tài liệu ‘Đoạn trường Vinh hoa’, hoạt động của nhóm Đàn Đó, v.v.)

Thuyết trình của tiến sĩ Vũ Diệu Trung tại hội thảo ‘Sẵn sàng cho tương lai’. Ảnh chụp từ video phát sóng hội thảo ‘Sẵn sàng cho tương lai’.

Trong thuyết trình của mình tại hội thảo ‘Sẵn sàng cho tương lai’, tiến sĩ Vũ Diệu Trung chia sẻ về Trung tâm Dữ liệu Di sản Văn hóa (DLDSVH) của VICAS cũng như công tác số hóa và quảng bá tư liệu tại đây. Từ năm 1997, Trung tâm phụ trách Chương trình mục tiêu quốc gia về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể, thông qua một số nhánh hoạt động chính: nghiên cứu và thực hiện phim tài liệu khoa học về các hình thức diễn xướng, nghi lễ, lễ hội, hoạt động văn hóa và nghề thủ công liên quan đến 54 dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam; và phân loại, quảng bá phim, dữ liệu hình ảnh động, ảnh chụp và báo cáo xoay quanh các nghiên cứu nói trên. Hoạt động bền bỉ của Trung tâm có thể thấy rõ qua khối lượng tư liệu đã được hoàn thành và lưu giữ tại đây: tư liệu hình ảnh động ở độ phân giải SD lưu trữ trên các định dạng băng Betacam, DVCam, SVHS, VHS, hay hơn 300 ngàn phút phim đã được số hóa sang chuẩn Full HD, hơn 71 ngàn ảnh tư liệu từ các chuyến thực địa, và 854 báo cáo khoa học (tương được 854 loại hình di sản văn hóa phi vật thể). 

Với lượng tư liệu khổng lồ như vậy, thách thức đặt ra nằm ở khâu số hóa và quảng bá. Dù được Nhà nước khuyến khích ứng dụng công nghệ vào hoạt động của mình, việc số hóa tư liệu ở Trung tâm mới chỉ ở bước đầu trong cuộc chạy đua với thời gian. Bà Trung cho biết, nhiều băng hình video ở Trung tâm đã xuống cấp do ảnh hưởng từ môi trường bảo quản; ngoài ra, sự lỗi thời của công nghệ analogue khiến việc tiếp cận chính các tư liệu dạng này ngày càng khó khăn, làm tăng nguy cơ mất mát vĩnh viễn. “Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi cần nhiều thời gian, nhân lực và kinh phí để nhanh chóng số hoá càng sớm càng tốt,” tiến sĩ Trung chia sẻ. Ngoài nguồn kinh phí nhà nước, Trung tâm hiện nhận được hỗ trợ từ một số đối tác là các tổ chức nước ngoài hoặc tư nhân – Hội đồng Anh, ICHCAP (Trung tâm Thông tin và mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do UNESCO bảo trợ), hay Tập đoàn Tuần Châu – nhằm tăng cường hoạt động về quản lý, lưu trữ và chia sẻ tư liệu di sản. Dù vậy, một đặc điểm về cơ chế khiến giá trị của công tác này chưa được tối ưu hóa, là sự tồn tại cùng lúc của nhiều ‘nhiệm vụ’ mà Trung tâm phải thỏa mãn: theo tiến sĩ Vũ Diệu Trung, trước hết đó là nhiệm vụ mang tính chính trị – để phục vụ các chương trình nghiên cứu hay phục dựng di sản của các cơ quan nhà nước, rồi mới đến hoạt động quảng bá di sản đến công chúng.

Các diễn giả tại hội thảo ‘Sẵn sàng cho tương lai’. Trái: bà Paula Toal. Phải: bà Nguyễn Hải Vân, tiến sĩ Vũ Diệu Trung và giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: Đặng Việt Hải Long (Purr Creative).

Hướng đến một hệ sinh thái đa dạng và rõ ràng

Sự chủ động về ngân sách – nói cách khác, việc ‘làm kinh tế’ – chưa bao giờ và cũng khó có thể là một hướng đi với Trung tâm DLDSVH của VICAS. Đây cũng là câu trả lời của bà Trung trước câu hỏi của khán giả Hội thảo về khả năng tạo nguồn thu bền vững, nhất là khi nhiều sự kiện và hoạt động phải chuyển sang diễn ra trên Internet. Còn bà Paula thì cho rằng khán giả hoàn toàn sẵn sàng mua vé để tham gia các sự kiện văn hóa nghệ thuật trực tuyến – điều quan trọng, dù ‘trực tuyến’ hay ‘trực tiếp’, vẫn là việc sự kiện đó có kể một câu chuyện thu hút và đáng quan tâm hay không. Bà Nguyễn Hải Vân chia sẻ, ‘bí quyết’ của BTPN là biết được điểm mạnh và điểm yếu của mình: “Điểm yếu của BTPN là làm thương mại, nếu không coi các hiện vật và hoạt động là sản phẩm thương mại, chúng tôi sẽ không có nguồn thu. Nhưng làm thế nào để bán được?” Từng bước một, họ tìm kiếm các khả năng qua sự kết hợp với các đơn vị tư nhân chuyên về thương mại điện tử, một quá trình phần nào hỗ trợ bởi những khảo sát, nghiên cứu và đề xuất của sinh viên Đại học RMIT Việt Nam quanh giá trị và hướng khai thác của các bộ sưu tập BTPN đang nắm giữ. Đây cũng là một ví dụ cho những nỗ lực hợp tác công tư mà theo giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn, “là xu thế sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, để mỗi tổ chức có thể tập trung vào thế mạnh của mình và chia sẻ thế mạnh đó với cộng đồng.”

Ban tổ chức và người tham gia sự kiện ‘Tư duy thiết kế và tái sinh nghệ thuật Chèo’ tại VFCD 2020. Ảnh: Sha (Purr Creative).

Nhìn rộng ra tổng thể VFCD năm nay, ta thấy những ví dụ khác của sự hợp tác công-tư này, vừa là một nhu cầu ngày càng cấp thiết trước những thách thức do Covid-19 mang đến, vừa góp phần tạo ra một ‘hệ sinh thái’ đa dạng với các vai trò và nguồn lực rõ ràng để các di sản có thể ‘sống’ tự nhiên nhất. Có thể kể đến các dự án về Chèo khởi xướng bởi các trường đại học và các nhóm độc lập năng động và nhiệt huyết (như Chèo 48h) với sự hỗ trợ từ đội ngũ quản lý và nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam; hay như những buổi tham quan và trò chuyện tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III được Hội những người bạn của Di sản Việt Nam (FVH) tổ chức – soi rọi những phân mảnh vi lịch sử quan trọng còn ít người biết đến. Còn ở mảng giáo dục nghệ thuật, nghệ sĩ Richard Streitmatter-Tran nhận xét: “Các cơ sở tư nhân ở Việt Nam rất nhanh nhạy trong việc phát triển các giáo trình nghệ thuật có vẻ mang tính đương đại; nhưng tôi vẫn cảm mến các cơ sở giáo dục truyền thống – bởi ở đó họ có cơ sở vật chất cho các thực hành như vẽ tranh sơn mài, vẽ tranh lụa, làm gốm, làm điêu khắc. Ở các cơ sở giáo dục tư nhân, những thực hành này không được coi trọng, nhiều sinh viên không hiểu giá trị của những việc như làm gốm, trong thế giới hiện đại ngày nay. Mỗi loại hình giáo dục đều có những vấn đề riêng, và tôi hy vọng họ sẽ gặp gỡ và hợp tác cùng nhau để giúp phát triển văn hóa nghệ thuật nói chung.”

Và chính sự gặp gỡ này – giữa những tổ chức và người thực hành làm những việc rất khác nhau ở những hoàn cảnh khác nhau – có lẽ là giá trị lớn nhất của VFCD.

Trong một năm mà sự ‘giãn cách xã hội’ lên ngôi, thật kỳ lạ và cũng thật may mắn khi một chuỗi sự kiện quy mô như VFCD vẫn có thể diễn ra, và đã diễn ra. Không ai biết năm 2021 sẽ đem đến điều gì – liệu mọi chuyện còn có thể xấu đi nữa? – nhưng dựa trên những điều đã được nói đến, được lắng nghe, suy ngẫm, trao đổi tại VFCD 2020 – có lẽ chúng ta có thể hy vọng.

Bài viết: Trần Duy Hưng
Đồ họa: Rongchơi
Bản dịch tiếng Anh: Đinh Vũ Nhật Hồng

Ảnh tiêu đề: tác phẩm ‘Emoji City’ của Nguyễn Hoài Giang trong dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân, chụp bởi Nguyễn Thế Sơn

Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2020 khi chia sẻ bài viết.
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép.