fbpx

Những hướng đi mới — Chèo và Tư duy thiết kế

Ở Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam năm nay, có nhiều gặp gỡ thú vị giữa các ý tưởng của kỷ nguyên 4.0 với những giá trị di sản và truyền thống, mở ra những hướng đi và biểu đạt mới, đầy tiềm năng. Workshop ‘Tái sinh Nghệ thuật Chèo với Tư duy thiết kế’ diễn ra sáng Chủ nhật vừa qua tại Nhà hát Chèo Việt Nam là một ví dụ cho sự gặp gỡ này. Chương trình hướng đến cộng đồng sinh viên và có sự tham gia của các nghệ sĩ, nhà tổ chức, cũng như các chuyên gia từ cả mảng văn hóa dân gian và khởi nghiệp.

Sự kiện gồm hai phần: Tọa đàm và Thực hành. Trong phần đầu, sau hai trích đoạn Chèo kinh điển được các nghệ sĩ gạo cội của Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn, NSND Thanh Ngoan (Giám đốc Nhà hát) cung cấp một tổng quan về lịch sử Chèo, loại hình sân khấu cô miêu tả là “thuần Việt nhất”. Ra đời thời nhà Đinh ở cố đô Hoa Lư, tiến trình phát triển của Chèo đã luôn gắn bó cùng đời sống và sinh hoạt của người nông dân Việt, với hệ thống nhân vật và tích trò lấy cảm hứng trực tiếp từ bối cảnh ruộng đồng núi sông, từ những câu chuyện dân gian lưu truyền đời này qua đời khác.

Vào thập niên 1920, Chèo dần xuất hiện trong các không gian sân khấu thành thị, song hành cùng những cách tân về hình thức và nội dung, qua đó dễ tiếp cận hơn với khán giả đương thời. Năm 1951, một tổ Chèo được thành lập trong Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương tại chiến khu Việt Bắc, đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn ‘Chèo Cách mạng’. Tổ Chèo này chính là tiền thân của Nhà hát Chèo Việt Nam. Trải hơn 65 năm phát triển, Nhà hát đạt nhiều thành tựu trong các công tác phục hồi, chỉnh lí và cải biên các vở Chèo cổ, và hiện vẫn thường xuyên sáng đèn với các chương trình biểu diễn hàng tuần.

Gần đây, song hành cùng các đơn vị nhà nước như Nhà hát Chèo Việt Nam là các nhóm do người trẻ khởi xướng, với những dự án đầy năng động và sáng tạo.

Chèo 48h – Tôi Chèo về quê hương là một trường hợp tiêu biểu: theo Đinh Thảo, thành viên sáng lập, “Chèo không hề cũ, mà vẫn còn nguyên các giá trị cho thế hệ trẻ hôm nay.” Từ khởi đầu năm 2014 là một workshop kéo dài hai ngày để các bạn sinh viên tiếp cận và bước đầu tìm hiểu về Chèo, Đinh Thảo cùng các cộng sự đã xây dựng một cộng đồng gắn kết quanh Chèo 48h. Với họ, Chèo 48h không chỉ còn là một sân chơi, mà là một sứ mệnh của sự lan tỏa. Như Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê (nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và Giảng viên Đại học Việt Nhật) chia sẻ: “Với các bạn trẻ, ban đầu Chèo có thể là một điều gì đó buồn tẻ, xa lạ, nhưng chỉ cần dành thời gian, lắng nghe và cảm nhận sự tâm huyết của các nghệ sĩ và cảm xúc họ truyền tải, dần dần ta sẽ muốn tìm hiểu thêm về nghệ thuật này.”

Dù vậy, cộng đồng Chèo nói chung và Nhà hát Chèo Việt Nam đang trải qua không ít khó khăn: khó khăn trong ngân sách vận hành, trong những nỗ lực tiếp cận khán giả, hay sự cạnh tranh của vô số loại hình giải trí hiện đại.

Những trăn trở này là tiền đề cho phần hai của workshop với sự điều phối của Cộng đồng Nhà giáo dục khởi nghiệp ĐHQGHN (VNU VIBERS). Người tham gia được chia thành năm nhóm để thử sức với một đề bài thú vị: áp dụng tư duy thiết kế để đề xuất giải pháp cho một thách thức Chèo đang phải đối mặt. Sau khi được hướng dẫn thực hành các bước trong quy trình – từ sự tiếp xúc, ‘thấu cảm’, nhận diện vấn đề, tìm giải pháp, cho đến tạo sản phẩm mẫu – các nhóm trình bày những ý tưởng rất gợi mở và đều được Ban giám khảo đánh giá cao.

Một số hướng đến những hình thức mới để truyền đạt kiến thức Chèo: như sử dụng các clip hoạt hình ngắn, thực hiện ‘từ điển’ online cho thuật ngữ Chèo, đưa Chèo vào điện ảnh, hay kể cả sử dụng các video TikTok với sự hỗ trợ của một số ngôi sao văn hóa đại chúng. Cũng có nhóm quan tâm đến hướng đi thương mại hóa, tạo ra sản phẩm và trải nghiệm văn hóa hấp dẫn để góp phần hỗ trợ nguồn lực cho nghệ nhân, nghệ sĩ, các tổ chức.

Theo cô Thanh Ngoan, một ý tưởng vừa khả thi vừa có tính ứng dụng cao sẽ giúp tăng tính bền vững cho các hoạt động về Chèo. Có như vậy, nghệ thuật Chèo mới được gìn giữ hiệu quả và không ngừng phát huy giá trị trong thời đại ngày nay. Cô Thanh Ngoan nhận định: “Chèo là một sinh thể vẫn đang tồn tại, chỉ cần cảm hứng và năng lượng để kích hoạt lại.”

11.11.2020

NGƯỜI VIẾT
Trần Duy Hưng