fbpx

Quảng bá nghệ thuật và văn hóa Việt ra thế giới

Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 do Đại học RMIT khởi xướng vừa khai mạc tối 6/11 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) nhằm tôn vinh tính sáng tạo và văn hóa nghệ thuật Việt.

Từ ngày 7 đến 22/11, khách tham dự liên hoan có thể tham gia vào hàng loạt triển lãm, lớp học, hội thảo, tọa đàm và các cuộc thi tài khác nhau, mà phần lớn trong số đó đều có thể truy cập trực tuyến.

Các đại biểu tham dự cắt băng khai mạc Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội.

Liên hoan năm nay chào đón sự trở lại của hai đơn vị đồng tổ chức là UNESCO và Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), cũng như đối tác mới – Tổ chức Sáng tạo bền vững COLAB Việt Nam do ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi sáng lập.

Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT Giáo sư Julia Gaimster nhấn mạnh vào sự cần thiết của liên hoan đối với giới nghệ sĩ và thế hệ trẻ Việt Nam.

“Ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam. Để cạnh tranh được trên trường quốc tế, Việt Nam cần nuôi dưỡng và cho các quốc gia khác thấy tài năng sáng tạo của đất nước”, Giáo sư Gaimster nhận định.

Tạo tác động và quảng bá tính sáng tạo Việt

Trong khuôn khổ liên hoan lần này, Đại học RMIT còn tổ chức buổi triển lãm nghệ thuật đương đại Việt Nam với tên gọi Không Mây Không Mưa: Lưu giữ nghệ thuật và văn hóa Việt Nam cho tương lai, trưng bày 30 tác phẩm của các nghệ sĩ Việt và đem đến những góc nhìn mới mẻ về các vấn đề mà những nghệ sĩ trẻ quan tâm.

Triển lãm nghệ thuật đương đại Việt Nam của RMIT mang tên “Không Mây Không Mưa: Lưu giữ nghệ thuật và văn hóa Việt Nam cho tương lai”  còn có thể được thưởng lãm trực tuyến.

Theo Tiến sĩ Emma Duester và cô Michal Teague, giám tuyển của triển lãm và là giảng viên Khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT, triển lãm cho thấy vai trò của các bộ sưu tập nghệ thuật đối với việc gìn giữ và quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam, cũng như mối tương quan giữa truyền thống và cuộc sống đô thị.

“Cụm từ ‘Không Mây Không Mưa’ cho chúng ta liên tưởng đến một điều: nếu không có sự tồn tại của các di sản, hay quá khứ, thì cũng sẽ không có tương lai như cách một cơn mưa cần những đám mây vậy”, cô Teague chia sẻ.

Tiến sĩ Duester cho biết: “Triển lãm này liên quan nhiều đến sự bảo tồn – không chỉ nghệ thuật, mà còn không gian của một thành phố cho các thế hệ tương lai”.

Triển lãm được đồng hành bởi lễ trao giải cuộc thi cảm nhận nghệ thuật, và tọa đàm về các yếu tố tác động lên nền nghệ thuật và văn hóa Việt Nam trong năm nay.

Tác phẩm “Âm vang IV” của nghệ sĩ Hà Trí Hiếu thuộc bộ sưu tập nghệ thuật đương đại của Đại học RMIT được trưng bày tại triển lãm Không Mây Không Mưa.

Liên hoan cũng mời các nghệ sĩ Úc và Việt Nam cùng tham gia vào một triển lãm trực tuyến chung mang tên Đôi tay tài hoa, Văn hóa tương đồng do RMIT Gallery, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) và Vietcraft tổ chức.

Viện trưởng VICAS PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho biết triển lãm tôn vinh vai trò quan trọng của các hoạt động nghệ thuật, thủ công và thiết kế đối với việc thúc đẩy và duy trì sự phát triển của cộng đồng.

Theo ông, liên hoan sẽ kết nối các nhà thiết kế, nghệ sĩ cũng như nghệ nhân Việt Nam và Úc cùng trao đổi kiến thức và giao lưu văn hóa.

Kiến tạo cơ hội cho giới trẻ

Nhằm chuẩn bị sinh viên RMIT sẵn sàng cho cuộc sống và công việc, đồng thời tự tin trở thành những lãnh đạo tương lai cho Việt Nam, một số tác phẩm xuất sắc của sinh viên RMIT cũng sẽ được trưng bày trong buổi triển lãm trực tuyến mang tên Impact (Ấn tượng) thuộc khuôn khổ liên hoan lần này.

Tác phẩm “Tầm nhìn về thế giới tương lai” của Phạm Tuấn Kiệt – sinh viên Thiết kế (Truyền thông số) Đại học RMIT nằm trong triển lãm Impact.

“Chúng tôi mong muốn kết nối với cộng đồng trong nước nhiều hơn, kiến tạo không chỉ một diễn đàn cho các tổ chức văn hóa – sáng tạo trong nước, mà còn tạo cơ hội cho các bạn trẻ thể hiện tài năng của họ”.

Phát triển bền vững không phải là một khái niệm mới ở Việt Nam, nhưng nhiều người trong số chúng ta có thể chưa nhận thức được về những tác động đa dạng của phát triển bền vững đến các đô thị và cộng đồng của chúng ta.

Xuyên suốt liên hoan, các bạn trẻ cũng có cơ hội thể hiện chính kiến và trao đổi những ý tưởng sáng tạo và bền vững qua cuộc thi trực tuyến “Việt Nam 2030: Tầm nhìn tương lai”.

Ngoài các hoạt động trực tuyến, công chúng đến với liên hoan có thể trực tiếp trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như tái sinh nghệ thuật chèo với tư duy thiết kế, ghép tranh từ vải vụn, vẽ tranh sơn mài, cùng nhiều triển lãm và tọa đàm. Tìm hiểu thêm về các sự kiện tại https://2020.vfcd.events/vi/.

Nguồn: Báo Kinh tế Thời đại