fbpx

Thời trang và nghệ thuật đưa khu đô thị Phú Mỹ Hưng lên bản đồ sáng tạo

Hai giảng viên Đại học RMIT đã kết hợp thời trang và địa lý để thể hiện sự phụ thuộc lẫn nhau giữa nghệ thuật và thiết kế trong cuộc sống hàng ngày trong một triển lãm đang diễn ra tại TP.HCM.

Nghệ thuật kết hợp thời trang

Triển lãm Dệt Trải nghiệm thành Ký ức (Weaving Experience Into Memory) giới thiệu dự án hợp tác giữa một nghệ sĩ và một nhà thiết kế thời trang từ Khoa Truyền thông & Thiết kế Đại học RMIT, sử dụng thời trang để truyền đạt các ý tưởng nghệ thuật về bản đồ địa tầng kiến trúc của khu đô thị Phú Mỹ Hưng của Quận 7.

Giảng viên ngành Thiết kế, nghệ sĩ Patrick Ford đã tạo ra một bản in kỹ thuật số bằng cách sử dụng các yếu tố thiết kế ca rô với nhiều màu sắc để thể hiện các lớp địa chất và cao độ ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Đó là kết quả của quá trình ông đi bộ lên xuống các con phố trong khu vực phỏng theo hành động của một con thoi trong khung cửi dệt vải.

“Việc ứng dụng các yếu tố thiết kế kết hợp sáng tạo đã trở thành một khía cạnh quen thuộc của nghệ thuật đương đại và tạo cơ sở tốt cho việc đưa ra quyết định trong giai đoạn tiếp theo của dự án”, ông Ford chia sẻ.

Bản in kỹ thuật số “Địa tầng Quận 7” là cơ sở để tạo ra bộ sưu tập Dệt Trải nghiệm thành Ký ức.

Khách tham quan triển lãm có thể quan sát bản in kỹ thuật số dưới nhiều hình thức khác nhau, từ bản phác thảo đầu tiên trong sổ tay cho đến các tác phẩm in thử nghiệm trên hàng loạt các chất liệu vải như vải nhân tạo, cotton thun jersey, cotton 100%, voan lụa, lụa Hapotai bằng cách sử dụng các kỹ thuật đa dạng như in kỹ thuật số và thêu tay.

Nhà thiết kế thời trang và Chủ nhiệm ngành Quản trị Doanh nghiệp Thời trang đại học RMIT – Tiến sĩ Nina Yiu giải thích cách bản in kỹ thuật số được ứng dụng trên sản phẩm để tối ưu hóa điểm mạnh khi kết hợp với nhau.

Đôi giày đế bằng và khăn quàng choàng cổ với thiết kế in kỹ thuật số cùng một cuốn sổ tay ghi lại 34 giao lộ ở Phú Mỹ Hưng, TP. HCM. 

“Thiết kế quần áo tập trung vào kiểu dáng đơn giản, cách cắt cổ áo, chuyển động của tay, cách cắt và may, và cách tiếp cận không lãng phí với các chi tiết thời trang như xếp ly, khoét lưng kiểu thể thao, túi ẩn, đắp chéo và gấp nếp, tất cả đều nhằm làm nổi bật thiết kế in kỹ thuật số”, Tiến sĩ Yiu chia sẻ.

“Mỗi tỷ lệ thiết kế đóng một vai trò ẩn dụ trong việc giải thích bản đồ di chuyển với cái nhìn toàn cảnh hoặc chi tiết hơn về khu vực được quan sát. Khi bản in kỹ thuật số đã được mở rộng và in lên vải, chúng tôi quyết định Áo Dài là trang phục thích hợp nhất để thử nghiệm trước vì Áo Dài là nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam”.

Gắn bó với kinh doanh trong lĩnh vực sáng tạo và hợp tác doanh nghiệp

Việc kết hợp các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước, các công ty phần mềm in ấn kỹ thuật số, và nguồn nhân lực vào từng giai đoạn đã góp phần tạo ra một bộ sưu tập hấp dẫn và độc đáo, đồng thời gia tăng niềm tự hào cho tất cả mọi người.

“Triển lãm trưng bày các tác phẩm sáng tạo ý nghĩa được tạo ra từ sự kết hợp giữa các học giả, nghệ sĩ, các doanh nghiệp in kỹ thuật số và các doanh nghiệp trong nước như ngành nghề thủ công tại địa phương bắt nguồn từ cộng đồng. Khi lĩnh vực sáng tạo trong nước phát triển sẽ thúc đẩy nhu cầu về sản phẩm có thiết kế đẹp và  chất lượng đồng thời đẩy mạnh sự tăng trưởng của toàn ngành”, Tiến sĩ Yiu cho biết.

Triển lãm Dệt trải nghiệm thành ký ức mở cửa tự do từ ngày 16 đến ngày 22/11/2020 tại cửa hàng L’Usine trong Trung tâm Thương mại Crescent, Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM. Đây là một hoạt động thuộc khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020.

Hai giảng viên Đại học RMIT – Ông Patrick Ford và Tiến sĩ Nina Yiu tại lễ khai mạc triển lãm vào ngày 16/11/2020. Ảnh: RMIT

Nguồn: thoitrangtre.thanhnien.vn